Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019:     Hạ điểm sàn 'kịch đáy', bỏ rơi chất lượng

Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các trường trong việc xác định điểm sàn xét tuyển nhiều trường đã tự hạ điểm sàn xuống tận đáy, bất chấp chất lượng đầu vào thấp

 

12 điểm cũng đỗ đại học

Được quyền tự chủ, nhiều trường ĐH đang hạ điểm sàn “kịch đáy” để “vét” thí sinh, thậm chí chỉ cần 4 điểm mỗi môn đã được xét tuyển ĐH. Theo thông báo của Trường ĐH Bạc Liêu, mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển hệ ĐH chính quy phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT Quốc gia là 13 điểm. Riêng ngành Chăn nuôi và Bảo vệ thực vật là 12,0 điểm. Tương tự, Trường ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên cũng thông báo mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển hệ ĐH chính quy năm 2019 theo phương thức xét điểm thi THPT Quốc gia  là 13 điểm và 15 điểm theo phương thức xét học bạ cho tất cả các chuyên ngành.

ĐH Đà Nẵng thông báo điều chỉnh điểm sàn năm 2019 phân hiệu tại tỉnh Kon Tum theo kết quả thi THPT Quốc gia 2019 lên 14 điểm với tất cả các chuyên ngành thay vì 12,5 như đã thông báo trước đó. ĐH Đồng Tháp tăng điểm nhận hồ sơ lên thành 14 điểm thay cho mức điểm sàn đã công bố là 13 điểm. Như vậy dù đã tăng, nhưng điểm sàn của các trường vẫn ở mức dưới 15 điểm.  Trong khi đề thi THPT Quốc gia năm nay được Bộ GD-ĐT cho rằng có khoảng 60% kiến thức cơ bản đáp ứng việc xét tốt nghiệp THPT, mức điểm này liệu có đảm bảo chất lượng đầu vào đang là vấn đề khiến nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại.

         Lý giải về mức điểm sàn trường đưa ra khá thấp, TS. Võ Hoàng Khiêm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu cho biết: "Hiện nay, một số trường ĐH lớn cũng xác định điểm sàn thấp nên trường chúng tôi cũng lấy theo. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự chủ trong việc xác định điểm sàn. Ngoài ra, những năm qua trường luôn tuyển không đủ chỉ tiêu, như năm 2018 chỉ tuyển được khoảng 60%". 

Đến chiều 25/7, hàng loạt các trường trước đó công bố điểm sàn ở mức thấp (dưới 14 điểm) đã điều chỉnh lên mức cao hơn.  ĐH Đà Nẵng thông báo điều chỉnh điểm nhận đăng ký xét tuyển vào phân hiệu tại tỉnh Kon Tum theo kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019 là 14 điểm đối với tất cả các ngành (trừ các ngành sư phạm) so với điểm sàn trước đây là 12,5. Trường ĐH Đồng Tháp cũng tăng điểm sàn lên 14 điểm đối với tất cả các ngành ngoài sư phạm, thay vì 13,5 điểm như thông báo trước đó. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, khẳng định: "Trừ khối đào tạo giáo viên và sức khỏe là bộ quy định điểm sàn, còn các trường thuộc khối đào tạo khác tự chủ trong phương thức xét tuyển, trong đó có việc xác định điểm. Tuy nhiên, Bộ cũng khuyến cáo các trường không nên xem chỉ tiêu tuyển sinh là căn cứ để xác định điểm sàn, dẫn tới việc xác định điểm sàn quá thấp không đảm bảo chất lượng".Chạy theo lợi nhuận, bỏ rơi chất lượng

GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam  cho biết: Đầu vào thấp thì chắc chắn là chất lượng kém rồi. Hiện nay theo tôi được biết, vẫn nhiều trường ĐH “dạy chay, học chay”, trừ một số trường khối kỹ thuật. Trong quá trình đào tạo, nếu trường cố gắng nâng cao chất lượng giảng dạy, còn sinh viên biết tự học thì chất lượng có thể được đảm bảo.

 “Ở đây nhiều trường nhắc đến quyền tự chủ nên được tự quyết điểm sàn. Nhưng theo tôi, đối với các trường tự chủ thì trước tiên phải tự chủ về mặt học thuật, tức là mỗi một trường cần bảo đảm chuyên môn đạt chất lượng cao nhất, nâng cao chất lượng về đào tạo con người, chứ nhiều trường khi được giao quyền tự chủ thì chỉ lo tiền, lo thu học phí là không đúng. Hơn nữa, nếu cơ sở vật chất kỹ thuật của một trường đại học mà kém thì không thể dạy vào giai đoạn 4.0 được. Việc các trường đưa ra mức điểm sàn thấp, Bộ cũng không nên can thiệp mà phải để tự chịu trách nhiệm trước người học, trước xã hội, nếu kém sẽ bị đào thải.  Đây cũng là hậu quả của việc mở trường ồ ạt trong những năm qua...” - GS.TS Phạm Tất Dong nhận định.

 GS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Hiện nay điểm sàn thấp dẫn đến thực tế là học sinh vào đại học dễ hơn thi vào lớp 10. Theo GS Vỳ, điểm sàn đại học phải ở mức từ 15 điểm trở lên, thí sinh phải đạt ít nhất 5 điểm/môn mới ổn. Dù không thể phủ nhận sự cố gắng và nỗ lực của sinh viên và nhà trường trong quá trình học, nhưng thực tế cũng cho thấy giữa các ngành chênh lệch điểm đầu vào, năng lực của sinh viên cũng rất khác nhau.  “Có một thực tế là, nhiều trường hiện nay nếu không tuyển sinh đủ sẽ không có chi phí để hoạt động. Họ buộc phải chạy theo lợi nhuận, đào tạo vì mục tiêu kinh tế, dẫn đến chất lượng thấp. Chúng ta đã đến lúc cần ngưng đào tạo một cách ồ ạt, làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực sau này. Đồng thời, việc các trường đang cố hạ điểm sàn, bất chấp để tuyển đủ thí sinh vì lợi ích trước mắt sẽ làm giảm sút uy tín nhà trường. Điều này cũng gây khó khăn cho chủ trương phân luồng sau THPT…”- ông Nghiêm Đình Vỳ cảnh báo.

 TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khuyến cáo, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các trường cũng không được đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển. Bà Phụng thừa nhận, trong thực tế tự chủ, một số trường có thể xác định điểm sàn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc nhà trường tự xác định vị thế chất lượng của mình thấp trong hệ thống. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tăng cường kiểm tra, trao đổi với lãnh đạo các trường để đưa ra khuyến cáo kịp thời với các trường./. 

      

      Công bố điểm chuẩn trước 8/8 là vi phạm

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc thực hiện xét tuyển và lọc ảo toàn quốc sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8/8 theo phương thức trực tuyến. Các trường công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 dự kiến trước 17h ngày 9/8. Việc một số trường công bố điểm trúng tuyển ĐH bằng kết quả thi THPT Quốc gia trước ngày 8/8 là vi phạm quy chế tuyển sinh. Vụ Giáo dục ĐH đang yêu cầu các trường này báo cáo cụ thể, sau đó sẽ có hướng xử lý.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận